Thừa Thiên Huế: Hướng đến hợp tác xã “chuỗi giá trị”
Quảng Điền xác định, sản xuất theo “chuỗi giá trị” không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy “Chương trình nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp” giai đoạn 2020-2025.
Mô hình trồng rau an toàn ở Quảng Thành
Thành quả ban đầu
Ông Hà Tân, Giám đốc HTXNN Thắng Lợi, xã Quảng Lợi thông tin, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, HTX xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) theo mô hình “chuỗi giá trị” nhằm phù hợp trước yêu cầu mới.
HTX tuyên truyền, vận động hộ thành viên, nông dân phối hợp tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lúa theo hướng an toàn dưới sự hướng dẫn của HTX. HTX có trách nhiệm hỗ trợ xử lý dịch bệnh, thủy lợi, các khâu cày ải, thu hoạch bằng phương tiện cơ giới. Sau thu hoạch, HTX có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng ở Quảng Lợi với hơn 100 ha, không chỉ thuận lợi cho quá trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và đạt năng suất cao, mà còn tạo nguồn sản phẩm an toàn, tăng giá trị sản phẩm. Qua các vụ đầu tiên cho thấy, sản phẩm lúa được tiêu thụ với giá ổn định, tăng 1.000-1.500 đồng/kg so với sản phẩm truyền thống.
HTXNN Thắng Lợi còn hợp đồng với Công ty Rượu Sochu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ khoai lang mỡ, giúp các hộ thành viên và nông dân yên tâm sản xuất, ổn định giá cả. Hoạt động của HTXNN vừa tạo lợi nhuận cho HTX, góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân, nâng cao thu nhập, vừa tránh được tình trạng “được mùa mất giá” do tư thương ép giá đang diễn ra lâu nay.
Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXNN An Xuân cho rằng, hoạt động SXKD theo “chuỗi giá trị” là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, ngoài duy trì các hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho hộ thành viên và nông dân, HTX còn hợp tác tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm. HTX tổ chức dịch vụ cho thuê nhà hàng, tiệc cưới với doanh thu 266 triệu đồng, lợi nhuận 98 triệu đồng/năm.
Từ khi HTXNN Phú Hòa, HTXNN Quảng Thọ 1 đầu tư công nghệ chế biến tinh dầu lạc, sản phẩm đậu lạc của người dân trên địa bàn được tiêu thụ ổn định. Sản phẩm đậu lạc không những không lo đầu ra, chấm dứt tình trạng lái buôn ép giá mà còn nâng cao giá trị, bình quân mỗi ha trên 100 triệu đồng/vụ.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, gần đây nhiều HTX xây dựng thành công phương thức SXKD theo “chuỗi giá trị”. Chẳng hạn như các HTXNN: Quảng Thọ 2, Phú Hòa, Quảng Thọ 1, số 2 Sịa, Đông Phước, Thắng Lợi, Đông Vinh… Một số HTX còn áp dụng công nghệ, hệ thống tưới phun tự động cho cây trồng, góp phần mang lại hiệu quả, năng suất cao, như HTXNN Quảng Thọ 2 đã áp dụng tưới cho 3,5 ha rau má, hơn 1 ha hành, kiệu, hoa; HTXNN Kim Thành tưới 2,05 ha rau các loại; HTX Phú Thanh phun tưới tự động cho 1,1 ha rau…
Hạn chế cần tháo gỡ
Giám đốc HTXNN Đông Phú, ông Lê Văn Thứ tự nhận, đến nay HTX vẫn xoay quanh các lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, các dịch vụ truyền thống, sản xuất các giống lúa thông thường nên chưa thật sự phát huy tiềm năng. HTX chưa thật sự quyết tâm, chủ động xúc tiến liên kết, liên doanh mở rộng dịch vụ thu mua, chế biến lúa gạo, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “chuỗi giá trị”…
Đến nay, Quảng Điền có 22 HTXNN, tổng số thành viên 34.020 người. Tổng tài sản của các HTX là 56 tỷ, trong đó tài sản lưu động 18 tỷ, tài sản cố định 38 tỷ; tổng nợ phải trả 4,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 51,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của các HTX khoảng 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 83 triệu đồng/năm. |
Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTXNN Đông Vinh cho rằng, ngoài nguồn lực tài chính, khó khăn lớn hiện nay là trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thấp và đang bị già hóa. Phần lớn đội ngũ cán bộ đều có trình độ trung cấp và phổ thông, thậm chí thấp hơn, độ tuổi trung bình trên dưới 55, không đảm bảo năng lực điều hành hoạt động SXKD, chưa theo kịp cơ chế thị trường.
Ông Phan Văn Lự đánh giá, đến nay, mặc dù tất cả cán bộ chủ chốt các HTX đều được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý và điều hành hoạt động SXKD, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do trình độ thấp. Trong tổng số cán bộ chủ chốt 104 người chỉ có 17 người tốt nghiệp đại học, 9 người cao đẳng, trung cấp 33 người…
Trình độ, năng lực hạn chế nên một số HTX còn lúng túng, chưa có sự chuyển biến nhanh trong đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động SXKD. Nhiều HTX chưa chủ động liên kết, liên doanh trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “chuỗi giá trị”, thiếu quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình mới, tiên tiến, sản phẩm đặc trưng…
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng khẳng định, huyện sẽ có các giải pháp căn cơ, thúc đẩy phát triển kinh tế HTX đáp ứng trước yêu cầu mới. Các HTX cần tranh thủ cơ chế chính sách của tỉnh, huyện về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ đại học vào làm việc tại HTX. Huyện tạo điều kiện thu hút đầu tư, liên kết, liên doanh với các HTX trong thực hiện mô hình sản xuất theo “chuỗi giá trị”. Các HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản địa phương…
Theo Báo Thừa Thiên Huế