Hình ảnh hoạt động HTX

Trụ sở HTX tại thôn Thành Trung, xã Quảng Thành.

Xưởng sơ chế rau sạch Quảng Thành

   

Sản phẩm rau trước khi đưa vào sơ chế

   

Rau được rửa qua 3 bể với 3 lần nước sạch để đảm bảo vệ sinh.

   

Rau được để ráo nước trước khi đem đi đóng gói.

   

Rau được đóng gói vào các túi nilông.

   

Sản phẩm rau thành phẩm.

Rau sạch Quảng Thành được trưng bày và bán tại siêu thị Thiên Phú.

Thừa Thiên Huế: Hướng đến hợp tác xã “chuỗi giá trị”

Quảng Điền xác định, sản xuất theo “chuỗi giá trị” không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy “Chương trình nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp” giai đoạn 2020-2025.

Mô hình trồng rau an toàn ở Quảng Thành

Thành quả ban đầu

Ông Hà Tân, Giám đốc HTXNN Thắng Lợi, xã Quảng Lợi thông tin, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, HTX xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) theo mô hình “chuỗi giá trị” nhằm phù hợp trước yêu cầu mới.

HTX tuyên truyền, vận động hộ thành viên, nông dân phối hợp tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lúa theo hướng an toàn dưới sự hướng dẫn của HTX. HTX có trách nhiệm hỗ trợ xử lý dịch bệnh, thủy lợi, các khâu cày ải, thu hoạch bằng phương tiện cơ giới. Sau thu hoạch, HTX có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng ở Quảng Lợi với hơn 100 ha, không chỉ thuận lợi cho quá trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và đạt năng suất cao, mà còn tạo nguồn sản phẩm an toàn, tăng giá trị sản phẩm. Qua các vụ đầu tiên cho thấy, sản phẩm lúa được tiêu thụ với giá ổn định, tăng 1.000-1.500 đồng/kg so với sản phẩm truyền thống.

HTXNN Thắng Lợi còn hợp đồng với Công ty Rượu Sochu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ khoai lang mỡ, giúp các hộ thành viên và nông dân yên tâm sản xuất, ổn định giá cả. Hoạt động của HTXNN vừa tạo lợi nhuận cho HTX, góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân, nâng cao thu nhập, vừa tránh được tình trạng “được mùa mất giá” do tư thương ép giá đang diễn ra lâu nay.

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXNN An Xuân cho rằng, hoạt động SXKD theo “chuỗi giá trị” là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, ngoài duy trì các hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho hộ thành viên và nông dân, HTX còn hợp tác tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm. HTX tổ chức dịch vụ cho thuê nhà hàng, tiệc cưới với doanh thu 266 triệu đồng, lợi nhuận 98 triệu đồng/năm.

Từ khi HTXNN Phú Hòa, HTXNN Quảng Thọ 1 đầu tư công nghệ chế biến tinh dầu lạc, sản phẩm đậu lạc của người dân trên địa bàn được tiêu thụ ổn định. Sản phẩm đậu lạc không những không lo đầu ra, chấm dứt tình trạng lái buôn ép giá mà còn nâng cao giá trị, bình quân mỗi ha trên 100 triệu đồng/vụ.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, gần đây nhiều HTX xây dựng thành công phương thức SXKD theo “chuỗi giá trị”. Chẳng hạn như các HTXNN: Quảng Thọ 2, Phú Hòa, Quảng Thọ 1, số 2 Sịa, Đông Phước, Thắng Lợi, Đông Vinh… Một số HTX còn áp dụng công nghệ, hệ thống tưới phun tự động cho cây trồng, góp phần mang lại hiệu quả, năng suất cao, như HTXNN Quảng Thọ 2 đã áp dụng tưới cho 3,5 ha rau má, hơn 1 ha hành, kiệu, hoa; HTXNN Kim Thành tưới 2,05 ha rau các loại; HTX Phú Thanh phun tưới tự động cho 1,1 ha rau…

Hạn chế cần tháo gỡ

Giám đốc HTXNN Đông Phú, ông Lê Văn Thứ tự nhận, đến nay HTX vẫn xoay quanh các lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, các dịch vụ truyền thống, sản xuất các giống lúa thông thường nên chưa thật sự phát huy tiềm năng. HTX chưa thật sự quyết tâm, chủ động xúc tiến liên kết, liên doanh mở rộng dịch vụ thu mua, chế biến lúa gạo, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “chuỗi giá trị”…

Đến nay, Quảng Điền có 22 HTXNN, tổng số thành viên 34.020 người. Tổng tài sản của các HTX là 56 tỷ, trong đó tài sản lưu động 18 tỷ, tài sản cố định 38 tỷ; tổng nợ phải trả 4,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 51,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của các HTX khoảng 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 83 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTXNN Đông Vinh cho rằng, ngoài nguồn lực tài chính, khó khăn lớn hiện nay là trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thấp và đang bị già hóa. Phần lớn đội ngũ cán bộ đều có trình độ trung cấp và phổ thông, thậm chí thấp hơn, độ tuổi trung bình trên dưới 55, không đảm bảo năng lực điều hành hoạt động SXKD, chưa theo kịp cơ chế thị trường.

Ông Phan Văn Lự đánh giá, đến nay, mặc dù tất cả cán bộ chủ chốt các HTX đều được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý và điều hành hoạt động SXKD, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do trình độ thấp. Trong tổng số cán bộ chủ chốt 104 người chỉ có 17 người tốt nghiệp đại học, 9 người cao đẳng, trung cấp 33 người…

Trình độ, năng lực hạn chế nên một số HTX còn lúng túng, chưa có sự chuyển biến nhanh trong đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động SXKD. Nhiều HTX chưa chủ động liên kết, liên doanh trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “chuỗi giá trị”, thiếu quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình mới, tiên tiến, sản phẩm đặc trưng…

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng khẳng định, huyện sẽ có các giải pháp căn cơ, thúc đẩy phát triển kinh tế HTX đáp ứng trước yêu cầu mới. Các HTX cần tranh thủ cơ chế chính sách của tỉnh, huyện về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ đại học vào làm việc tại HTX. Huyện tạo điều kiện thu hút đầu tư, liên kết, liên doanh với các HTX trong thực hiện mô hình sản xuất theo “chuỗi giá trị”. Các HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản địa phương…

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tỉnh Thừa Thiên- Huế đang thực hiện chính sách phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn với việc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhiều mô hình HTX hiệu quả

Toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện có 302 Hợp tác xã (HTX), trong đó có 238 HTX hoạt động về nông nghiệp (HTX NN), với việc tập trung các dịch vụ hỗ trợ thành viên và thúc đẩy kinh tế hộ, thủy lợi, giống, bảo vệ thực vật, thủy sản, trồng rừng, vườn ươm…

Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGap, đồng thời đăng ký nhãn mác, thương hiệu đưa vào siêu thị và bán ra thị trường ngoài tỉnh.

Mô hình trồng rau Vietgap của HTX NN Quảng Thành, huyện Quảng Điền. Ảnh: Tiến Thành.

Mô hình trồng rau Vietgap của HTX NN Quảng Thành, huyện Quảng Điền. Ảnh: Tiến Thành.

Trong số đó, có nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả, điển hình như HTX NN Quảng Thọ 2 (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) đầu tư chế biến trà rau má, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Trà rau má Quảng Thọ”; HTX NN Phú Hồ (huyện Phú Vang) xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Hồ” kết hợp tổ chức thu mua và xay xát thành phẩm. HTX NN Thủy Biều (TP. Huế) trồng cây đặc sản thanh trà hay, HTX Bao La (huyện Quảng Điền) những sản phẩm mây, tre đan,…

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2 cho hay, năm 2012, HTX áp dụng quy trình sản xuất rau má VietGAP. Đến nay, HTX có hơn 300 hộ trồng và áp dụng quy trình sản xuất rau má theo hướng an toàn này. Đồng thời, tiến hành sản xuất trà với thương hiệu Trà rau má Quảng Thọ gồm 2 sản phẩm chính là trà túi lọc và trà sao khô đóng gói hút chân không. Sản phẩm hiện đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Xưởng chế biến trà rau má của HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Hay như, HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (huyện Phú Lộc) với 30 thành viên nguồn vốn điều lệ gần 700 triệu đồng. Các hội viên của HTX và Chi hội hiện có 804 ha rừng trồng, trong đó có 504 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, ngành nghề kinh doanh của HTX đăng ký theo dịch vụ nằm trong chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn gồm: Gieo ươm cây giống chất lượng cao thân thiện với môi trường, trồng và chăm sóc rừng, thu mua và chế biến gỗ rừng trồng.

Mô hình du lịch vườn thanh trà của HTX Thủy Biều, TP. Huế. Ảnh: Tiến Thành.

Mô hình du lịch vườn thanh trà của HTX Thủy Biều, TP. Huế. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Hồ Đức Lăng, một thành viên HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc cho biết “Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC với cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường của HTX, đến nay 40 ha rừng FSC của gia đình cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”.

Để tạo điều kiện cho HTX NN phát triển, nâng cao hiệu quả các hoạt động cung cấp dịch vụ, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX như về nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi lãi suất vay, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chính sách đất đai… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm giúp các HTX tiếp cận thông tin, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời thông tin, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới

Có thể nói, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, vị trí của HTX trong phát triển chung của nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Chính quyền địa phương này cũng đã có các chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới HTX nông nghiệp đã phát huy tác dụng, tạo cho sự phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới với mục tiêu: Cũng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển mô hình HTX nhanh và bền vững.

Theo đó, Thừa Thiên- Huế phấn đấu đến 2025 có 350 HTX với khoảng 175.078 thành viên; doanh thu bình quân của HTX hàng năm tăng từ 7% – 10%, thu nhập bình quân hàng năm tăng gấp 1,5 lần; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX mỗi năm tăng trên 10%. Xây dựng tại mỗi huyện, thị xã, thành phố có 3 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và 1 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay nhiều HTX ở Huế đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tiến Thành.

Hiện nay nhiều HTX ở Huế đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tiến Thành.

Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện xây dựng HTX với nhiều hình thức đa dạng, phát triển hiệu quả và bền vững.

Tiếp tục thực hiện việc đổi mới HTX NN trên các mặt như: Tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch” dựa trên công nghệ mới, công nghệ cao, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm “đòn bẩy” cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia tích cực của “4 nhà” đảm bảo bền vững.

Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên- Huế, từ năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn.

UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đầu tư 12 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, đối tượng áp dụng là các cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên- Huế Trần Lưu Quốc Doãn, cho biết “Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên- Huế đang phối hợp với các địa phương triển khai mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; một số sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống cần hướng đến xuất khẩu. Tổ chức cho các HTX có sản phẩm đặc trưng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tham gia hội chợ, kết nối cung- cầu và tiếp thị sản phẩm…”.

Sản phẩm của HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Kim Thành

Call Now